Cùng lắng nghe “ông trùm” TikTok Duy Muối hé lộ siêu bí kíp trở thành Idol TikTok triệu view nào!
Giới thiệu chung
Duy Muối
Duy Muối là ai? Duy Muối (họ tên đầy đủ của anh ấy là Trần Mạnh Duy) là Founder, Director, CEO tại DC Media, Hà Nội. Không phải là một người có hàng triệu lượt theo dõi trên kênh nhưng khi nhắc đến cái tên anh thì có lẽ người sử dụng nền tảng TikTok ai cũng biết. Bởi anh chính là Founder của group “DCGR và những idol TikTok” với hơn 183k thành viên gồm các TikToker và netizen muốn thử sức xây dựng thương hiệu cá nhân và mong muốn trở thành một nhà sáng tạo “thứ thiệt”. Duy Muối được mệnh danh là “ông trùm TikTok” khi đứng sau loạt hiện tượng mạng đình đám.
Bên cạnh việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trong việc xây dựng kênh TikTok, Duy Muối còn tổ chức các khóa học toàn diện, từ cơ bản đến nâng cao, nhằm cung cấp mọi kiến thức về nền tảng TikTok.
Nếu bạn đang là một “newbie” mong muốn dấn thân vào sự nghiệp “Idol Tóp Tóp”, hay đơn thuần chỉ là một người dùng tò mò về hành trình của các nhà sáng tạo nội dung “triệu view”, hãy cùng lắng nghe 5 lời khuyên chiến lược từ “ông trùm TikTok” Duy Muối nhé!
Giải thích thuật ngữ
Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Mr ChatGPT vì những định nghĩa thật ngắn gọn và siêu dễ hiểu.
Newbie
Newbie là gì? Newbie là thuật ngữ được sử dụng để chỉ người mới tham gia vào một lĩnh vực, một cộng đồng hoặc một hoạt động nào đó và chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức hoặc kỹ năng trong lĩnh vực đó. Từ này thường được sử dụng để nói về người mới bắt đầu hoặc người mới vào nghề trong một ngành nghề hoặc hoạt động cụ thể.
Tóp Tóp
Tóp Tóp là gì? “Tóp tóp” là cách nói đùa vui của TikTok – nền tảng mạng xã hội và video ngắn với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Ngoài ra, cụm từ “ai đồ tóp tóp” là cách nói lái đi của “Idol TikTok”.
Idol TikTok
Idol TikTok là gì? “Idol TikTok” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ những người dùng trở thành người nổi tiếng, ít nhất là trong cộng đồng TikTok. Họ thường tạo ra và chia sẻ nội dung trên nền tảng này, thu hút một lượng lớn người xem và người hâm mộ. Các idol TikTok thường có số lượng người theo dõi đáng kể, và họ có thể có tầm ảnh hưởng lớn đến người khác thông qua nội dung sáng tạo, thách thức, nhảy múa, hài hước hoặc nhiều yếu tố khác.
5 lời khuyên chiến lược
Xác định thế mạnh và nghiên cứu đối thủ
Xin chào Duy Muối! Theo ý kiến của bạn, những người từ “con số 0” và muốn trở thành một “Idol TikTok” thì nên bắt đầu từ đâu?
Để trở thành một TikToker chuyên nghiệp, trước tiên, bạn nên nhìn nhận lại và xác định được thế mạnh của mình là gì. Khi đã xác định được thế mạnh, bạn cần nghiên cứu và tìm hiểu về những đối thủ đang hoạt động tích cực trên các trang mạng xã hội.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long:
Đối thủ ở đây được hiểu trên khái niệm các kênh truyền thông thay vì hướng đến sản phẩm cụ thể. Đối thủ tức là cùng nền tảng: fanpage với fanpage, group với group, channel Youtube với channel Youtube, Facebook cá nhân và Facebook cá nhân. Nhưng channel cá nhân trên Youtube và Facebook cá nhân sẽ không được coi là đối thủ. Đối thủ tức là những người có cùng nhóm công chúng mà mình định phục vụ và cùng giá trị mà mình định mang tới. Ví dụ như sống khỏe mỗi ngày, cung cấp kiến thức ăn chay, chia sẻ bí quyết nuôi cá cảnh,…
Như vậy khi bắt đầu tập tành xây kênh, bạn cần xác định đối thủ của mình là chính những nhà sáng tạo với nhóm công chúng và tệp giá trị giống bạn trên nền tảng TikTok.
Ví dụ, nếu bạn muốn tạo nội dung về sản phẩm son môi hoặc thời trang, việc tìm hiểu về những người đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực này là rất quan trọng. Để có thể cạnh tranh hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất là nội dung sáng tạo, chất lượng và mang dấu ấn cá nhân.
Điều này là rất quan trọng để trở thành một TikToker chuyên nghiệp và thu hút sự chú ý của cộng đồng, thay vì chỉ đơn thuần sao chép những nội dung giống hệt nhau.
Chớp lấy ý tưởng trong khoảnh khắc bất chợt
Vậy có bao giờ Duy Muối bị cạn ý tưởng không?
Có, đương nhiên rồi.
Nhiều khi mình bị bí ý tưởng do ảnh hưởng của cảm xúc và tâm trạng cá nhân. Khi nào vui, mình hoàn toàn có thể nghĩ ra những ý tưởng mà mình nghĩ là rất hay ho. Nhưng cũng có lúc bị stress, cảm xúc tiêu cực hay những hôm tối muộn mới về, mọi sự sáng tạo của mình dường như “chững” lại và mình không thể nghĩ ra thứ gì thú vị nữa.
Duy cũng có một mẹo nhỏ để không bị cạn ý tưởng. Đó là ghi lại tất cả những ý tưởng thoáng qua trong đầu. Bạn biết đấy, những ý tưởng tuyệt vời có thể nảy sinh trong các thời điểm lạ lùng nhất và chúng thường không nán lại lâu trong tâm trí bạn. Vì thế, bạn cần chớp lấy chúng ngay lập tức, nếu không chúng sẽ biến mất nhanh chóng.
“Hãy viết ra những ý nghĩ nảy đến trong khoảnh khắc bất chợt. Những ý tưởng không tính trước như vậy thường giá trị nhất.”- Francis Bacon
Francis Bacon là ai?
- Francis Bacon (1561-1626) là một nhà triết học, nhà khoa học, chính khách và nhà văn người Anh. Ông được coi là một trong những nhà tiên phong của phương pháp luận khoa học hiện đại và được gọi là “cha đẻ của kinh nghiệm chứng minh”. Bacon có vai trò quan trọng trong sự phát triển của phương pháp khoa học, ủng hộ việc sử dụng quan sát có hệ thống, thực nghiệm và lập luận tiến hóa.
Bạn cũng có thể viết xuống hoặc ghi âm lại ý tưởng đó, nhưng lý tưởng nhất vẫn là ngồi xuống, bấm máy quay rồi ghi hình “ngay và luôn”.
Đừng để mắc kẹt trong mê hồn trận “cảm xúc tiêu cực”
Về việc nhận phản hồi tiêu cực trên mạng, như những lời chê như “sao lại có người xem cái này”, “nội dung nhạt v** nên đóng kênh đi”, Duy Muối phản ứng thế nào?
Tất cả những phản ứng tiêu cực đều là một phần không thể thiếu trong công việc này. Anti fan và những “comment toxic” sẽ luôn xuất hiện, không chừa một ai. Vì khi chúng ta chia sẻ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội, sẽ luôn có 2 luồng ý kiến trái chiều: có những người ủng hộ và cũng có không ít những người phản đối.
Comment toxic là gì?
- “Comment toxic” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các bình luận tiêu cực, độc hại hoặc gây căng thẳng trên mạng. Đây là những bình luận không mang tính xây dựng, thường chứa những lời chỉ trích, lăng mạ hoặc mỉa mai người khác một cách không tôn trọng. “Comment toxic” có thể xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến, bài viết blog và các nền tảng giao tiếp trực tuyến khác.
Khi đối mặt với những bình luận như vậy, mình luôn xem xét người chê bai đó là ai. Nếu họ là đồng nghiệp trong ngành hoặc là khách hàng trực tiếp, mình nên lắng nghe và tiếp thu ý kiến của họ nếu như đó là góp ý mang tính xây dựng. Tuy nhiên, nếu họ là những “người qua đường” không liên quan đến công việc của mình thì mình hoàn toàn có thể bỏ qua và không để những bình luận đó ảnh hưởng đến tâm trạng.
Mỗi khi chuẩn bị sản xuất một clip review, Duy Muối thường bắt đầu bằng việc gì?
Khi bắt tay thực hiện một clip review, ví dụ như một clip quảng cáo chẳng hạn, team mình luôn bắt đầu bằng việc xác định phong cách phù hợp với đối tượng mà sản phẩm đó hướng đến.
Cùng một sản phẩm, việc nhìn nhận sản phẩm từ đa dạng góc nhìn sẽ đem đến những trải nghiệm khác nhau.
Nếu khách hàng của bạn là những khán giả hài hước, chắc chắn bạn cần triển khai hướng nội dung thú vị, độc lạ, kích thích sự tò mò. Còn nếu họ là tuýp người nghiêm túc, nội dung đưa ra cần chỉn chu, sâu sắc, mang tính thông điệp mạnh mẽ.
Tóm lại, quan trọng nhất là phải tìm ra được tệp khách hàng phù hợp với sản phẩm đó.
Hỏi nhỏ một chút, hiện tại Duy Muối có đang đầu tư vào lĩnh vực nào không?
Mình cũng có đầu tư vào một số lĩnh vực như đất đai và chứng khoán. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với mình vẫn là đầu tư vào công ty và các sản phẩm sáng tạo của bản thân. Mình cũng có dự định lên kế hoạch sản xuất một MV ca nhạc dưới tên DCGR và hợp tác cùng một số nghệ sĩ mà mình yêu thích. Đó vẫn là ưu tiên hàng đầu mà mình muốn đặt nhiều tâm huyết vào.
DCGR là gì?
- DCGR (DC Group), là tập hợp các công ty về các lĩnh vực truyền thông đa phương tiện, quảng cáo, tiếp thị và giải pháp chuyển đổi số, được thành lập bởi hai Founder là Donnie Chu & Trần Mạnh Duy (Duy Muối) vào ngày tháng 3/2020. Với sứ mệnh giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả kinh doanh và giá trị thương hiệu, chúng tôi cam kết mang đến những giải pháp tối ưu nhất cho khách hàng.
Hãy bước ra khỏi vùng an toàn
Bạn từng nói rằng khi mới tập tành làm TikTok, bạn chỉ coi đây là trend nhất thời, chưa nghĩ đến gắn bó lâu dài nhưng giờ đây lại trở thành CEO của một trong những MCN TikTok “hùng hậu” nhất Việt Nam, hỗ trợ xây kênh cho hơn 600 TikToker, Duy Muối có cảm thấy mâu thuẫn không? Điều gì đã thay đổi và khiến bạn muốn nghiêm túc hơn với công việc này?
Thực ra bạn nói không sai, khi bắt đầu, mình không đặt nặng vấn đề tiền bạc vì bản thân lúc đó đã có một công việc ổn định đủ để đáp ứng nhu cầu sống của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, khi dấn thân vào nghề này, bắt đầu nhận được đông đảo sự ủng hộ và nhận ra rằng sự hiện diện của mình đã giúp một số bạn TikToker khác kiếm thêm thu nhập và có thêm fan hâm mộ. Dần dần, sự ủng hộ từ mọi người lại càng thúc đẩy, khuyến khích mình tiếp tục theo đuổi công việc này một cách nghiêm túc và lâu dài.
Khi khủng hoảng, hãy nhận lỗi, đừng xin lỗi
Cuối cùng, nếu một TikToker trong network gặp phải những drama như ngoại tình hoặc quảng cáo đồ kém chất lượng trong thời gian còn hợp đồng, bạn sẽ làm gì?
Đầu tiên, chúng ta cần tự xem xét lại tình huống đó. Nếu lỗi là của TikToker đó, thì bạn ấy cần đứng lên nhận lỗi.
Xin lỗi hay Nhận lỗi
Có 2 khái niệm nghe tưởng chừng giống nhau nhưng nguyên lý thì khác nhau hoàn toàn là xin lỗi và nhận lỗi. Nếu như xin lỗi xuất phát từ mong muốn giữ gìn mối quan hệ, đơn giản chỉ là một câu nói thì nhận lỗi xuất phát từ mong muốn sửa đổi chính bản thân chúng ta, đòi hỏi nhìn ra cái sai mà mình gặp phải, và là cả 1 quá trình nỗ lực hành động.
Nhận lỗi bao gồm 5 giai đoạn là:
- Nhận lỗi sớm
- Chịu trách nhiệm
- Nói xin lỗi
- Thành ý sửa sai
- Rút ra kinh nghiệm
Khi khủng hoảng, hãy nhận lỗi, đừng xin lỗi.
Tiếp theo, không nên sử dụng bất kỳ ngôn từ nào mang tính công kích đối thủ hoặc bất kỳ bên nào khác. Trong trường hợp chúng ta bị oan, bị cộng đồng người dùng hiểu lầm thì cần làm rõ vấn đề và công bố thông tin chính xác.
Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là trong mọi cuộc drama, mình không bao giờ ủng hộ việc kéo thêm người thứ ba vào, vì điều này chỉ làm vấn đề thêm phức tạp và khiến việc giải quyết trở nên rất khó khăn. Ví dụ như trong việc review sản phẩm, nếu mình đã có review chưa chính xác, thì nên nhìn nhận lại vào chất lượng của sản phẩm, thấy được lỗi là ở chính bản thân mình chứ không nên đổ lỗi sản phẩm được anh A giới thiệu hay vì lỗi giao hàng của anh B… Quá nhiều người liên quan sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên phức tạp, rắc rối hơn và đó là cách mình xử lý mỗi khi gặp phải drama.
Vừa rồi là 5 lời khuyên chiến lược của “Chiến thần Tóp Tóp” Duy Muối, mong rằng những chia sẻ vừa rồi sẽ phần nào giúp các bạn định hình được con đường phát triển trở thành một TikToker chuyên nghiệp.
Cảm ơn Duy Muối vì những lời khuyên quý giá vừa rồi, chúc bạn thật phát triển và thành công hơn nữa.
Series “Xóa mù TikTok”
Bên cạnh đó nếu bạn là một newbie mới bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp “Tóp tóp cơ”, đừng bỏ lỡ series “Xóa mù TikTok” dưới đây từ “ông trùm TikTok”. Series này sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi cơ bản nhưng nền tảng như:
- Làm sao để lên xu hướng?
- Làm thế nào để kênh tăng view/follow?
- Kênh đang bị flop, cần làm gì?
…
Xóa mù TikTok 1 – Học TikTok cơ bản nhất (Phần 1)
Xóa mù TikTok 2 – Học TikTok cơ bản nhất (Phần 2)
Xoá Mù Tiktok Shop – Tìm Ý Tưởng (Phần 1)
Tất Tần Tật Về Xu Hướng Tiktok 2023 |
Chúc các “hảo hán” tu luyện đạt tới đỉnh cao, sẵn sàng đối mặt với cuộc chiến gay go trên giang hồ Tóp Tóp.
Thân ái. ^^